Thảo luận:dồi dào

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Từ điển mở Wiktionary

Từ "dồi dào" này, đã từng được tôi chua thêm "còn nói và viết là giồi giào nữa." Thế nhưng điều tôi thêm vào đã bị xóa sạch.

Thực tế, từ này vốn là "giồi giào" nhưng chừng 3 chục năm nay, nó đã dần dần bị nói và viết ra "dồi dào," xảy ra đầu tiên ở Hà Nội, rồi lan đi trên các phương tiện truyền thông như Báo, Đài, TV, và Internet. Tôi bây giờ là 68 tuổi, nên 30 năm trước, tôi đã vững vàng để biết từ này vốn là "giồi giào." Sự biến đổi trong ngôn ngữ tất cả loài người rất phổ biến, chứ không hiếm.

Từ này bị biến đổi, chủ yếu là vì giọng Hà Nội. Từ lịch sử xa xưa, thời Vua Lê Chúa Trịnh, bà con chúa Trịnh từ Nghệ an ra Hà Nội ở, nên giọng Hà Nội lúc đó phát âm những phụ âm đầu khá nặng như người Nghệ An bây giờ vẫn nói. Sau đó, là thời gian các nhà truyền giáo châu Âu đến truyền đạo, và làm ra chữ viết cho người Việt. Giở lại những từ điển thời đó, ta còn có thể thấy các từ ngữ được nói như thế nào. Cũng từ đó, các tác phẩm văn học kinh điển được ghi chép bằng chữ Việt, lúc đó gọi là chữ quốc ngữ. Thế rồi văn học mới nảy nở rầm rộ như nấm sau mưa, do các tác giả giỏi tiếng Pháp viết ra. Thơ văn chữ Nôm cũng được chép bằng tiếng Việt. Có lẽ, lúc đó giọng Hà Nội không tệ, đáng làm chuẩn mực cho cả nước về phát âm tiếng Việt. Dần dần, thời Việt Minh cầm quyền, đứng đầu là Hồ Chí Minh, thì đó là thời tôi ra đời và lớn lên. Giọng Hà Nội vẫn còn khá lắm, nhưng những phụ âm đầu của chữ thì đã bị nói rất nhẹ đi. Không ít người Hà Nội nói các cặp đôi phụ âm tr-ch, n-l, gi-d, s-x, và r-s, âm nặng và âm nhẹ như nhau. Tuy vậy, họ vẫn viết đúng, chứ không sai chính tả.

Ngay bây giờ, thì người Hà Nội đã nói sai âm và viết sai chính tả những từ trong những cặp phụ âm nặng nhẹ này ra phụ âm nhẹ, nhất là cặp phụ âm nặng nhẹ gi-d. Họ đã sửa làm sai đi cả nguyên tác của những tác phẩm văn học của những nhà văn lớn. Ví dụ tác phẩm "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng bị sửa ra "Dông tố" và tác phẩm "Giòng giõi" của Học Phi bị sửa ra "dòng dõi." Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm "Mặt chinh phu trăng giõi giõi soi" bị sửa ra "Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi." Đó là vì các tay viết mới cũng đã viết sai. Ví dụ "sóng giồi" thì bị Tố Hữu viết là "Sông Thao nao nức sóng dồi." Không biết dân xứ Huế, là cái nôi văn học của Tố Hữu, có nói "sóng dồi" không? Dám cả gan sửa cả nguyên tác, là một tội lỗi lớn, ví như đẽo tạc sửa các tượng trong nhà bảo tàng cho đẹp hơn vậy.

Hà Nội là trung tâm văn hóa và chính trị của cả nước, nên cái sai này có ưu thế lấn át cái đúng ở các nơi khác, như các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, và kể cả Sài Gòn, và miền Tây nữa. Cứ nghe kỹ giọng Hà Nội nói những từ trong cặp phụ âm nặng nhẹ, rồi so sánh với giọng Nghệ An và miền Tây, sẽ thấy rõ điều này. Ở Sài gòn, có những bảng hiệu cửa tiệm viết "giàn" và cũng có cửa tiệm viết "dàn." Đó là dấu hiệu cái sai đang lấn át cái đúng đã xảy ra ở Sài Gòn, nơi cách Hà Nội nghìn dặm.

Cho dù tiếng Việt ngày nay khác đi, và đã được ghi sửa trong các từ điển mới, và các điều trong tự điển cũ đã bị mất, người làm Wikipedia chúng ta nên chua thêm từ ngữ cổ vào trong bài những từ ngữ mới. Ví du, bài "dồi dào" thì nên chua thêm rằng, ngày xưa ở Hà Nội và ngày nay ở Thanh Nghệ và miền Tây, thì từ này nói là "giồi giào." Làm thế chẳng có gì sai cả. Hơn nữa, làm thế thì việc càng tốt thêm lên. Thế mà có kẻ lại phá bỏ cái việc làm tốt đó của tôi.

Mong tất cả bà con trong nhóm Wikipedia tham khảo ý kiến của tôi, và cho ra quyết định đường lối làm Wikipedia như thế nào cho tốt. Trần Anh Mỹ (thảo luận) 17:02, ngày 6 tháng 8 năm 2016 (UTC)[trả lời]